Theo thống kê về Nhãn hiệu của Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2015, trong số hơn 90 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 48 về số lượng đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế (ĐKQT) thông qua Hệ thống Madrid (Madrid System) và có xu hướng không ngừng gia tăng. Vậy, hệ thống Madrid là gì? Việc đăng ký nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid đem lại những thuận lợi như thế nào đối với các cá nhân/doanh nghiệp muốn đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới?

Hệ thống Madrid là hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế cho phép các cá nhân/doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới (hơn 90 quốc gia) thông qua một đơn đăng ký và theo một trình tự thủ tục duy nhất. Hệ thống này được xây dựng dựa trên Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid và được quản lý bởi WIPO có trụ sở tại Geneve, Thụy Sỹ.

Cần lưu ý rằng, Hệ thống Madrid về bản chất là một cơ chế về thủ tục, không quy định về các tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu cũng như các quy định về từ chối hay các quyền đối với các nhãn hiệu được đăng ký. Những nội dung cơ bản này vẫn được điều chỉnh theo quy định pháp luật của từng quốc gia.

Do đó, quyết định lựa chọn những quốc gia nào để đăng ký thông qua Hệ thống Madrid cần dựa trên sự am hiểu và kinh nghiệm về pháp luật nhãn hiệu của các quốc gia đó, đặc biệt hơn, về sự khác biệt giữa đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid và đăng ký trực tiếp.

Hàn Quốc, về cả quy định và thực tiễn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, là một trong các quốc gia rất chặt chẽ đối với việc phân loại nhóm sản phấm/hàng hóa. Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid có chỉ định Hàn Quốc cần được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Một số quốc gia khác tồn tại sự khác biệt về quyền đối với nhãn hiệu được đăng ký thông qua Hệ thống Madrid và nhãn hiệu được nộp trực tiếp (ví dụ như Ấn độ, Mỹ…). Cụ thể, ở Mỹ, không giống như đơn nộp trực tiếp, đơn nộp thông qua Hệ thống Madrid không thể được sửa đổi các nhóm sản phẩm/hàng hóa như đã đăng ký và không thể đăng ký vào đăng bạ bổ sung (Supplementary Register) nếu có thể bị coi là mang tính mô tả (descriptive).

Có thể tóm tắt các vấn đề quan trọng cần xem xét khi đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid như sau:

Cơ sở đăng ký nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid

Đơn ĐKQT phải dựa trên đơn đăng ký quốc gia ban đầu tại một trong các quốc gia thành viên của Hệ thống Madrid được gọi là đơn cơ sở (basic application/registration). Người nộp đơn có thể lựa chọn nộp đơn xin ĐKQT vào cùng thời điểm khi nộp đơn cơ sở hoặc bất kỳ thời gian nào sau đó (nhưng không quá 06 tháng nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

Thuận lợi và khó khăn khi đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid

Thuận lợi

  • Tiết kiệm chi phí và thời gian: các thủ tục nộp đơn, đăng ký, duy trì hiệu lực của nhãn hiệu được sắp xếp và quản lý thống nhất, chỉ bằng một ngôn ngữ duy nhất (tiếng Anh/tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha);
  • Có thể chỉ định đồng thời nhiều quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia như Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức sở hữu trí tuệ Liên Minh Châu Phi (OAPI);
  • Có thể mở rộng phạm vi bảo hộ bằng cách chỉ định thêm các quốc gia mới tại bất kỳ thời điểm nào;
  • Thời hạn xem xét khả năng bảo hộ là cố định: 12 tháng hoặc 18 tháng.

Khó khăn

  • ĐKQT phải phụ thuộc vào đơn cơ sở trong thời gian 05 năm kể từ ngày ĐKQT.
  • Hệ thống Madrid là một cơ chế về thủ tục, không phá vỡ luật nhãn hiệu quốc gia. Các bên thứ ba vẫn có thể phản đối việc đăng ký nhãn hiệu ở từng quốc gia.
  • Thời hạn cho các Thông báo liên quan đến đơn ĐKQT có thể rất ngắn tạo khó khăn trong việc trả lời, ví dụ, Trung Quốc, thường chỉ có thời hạn hai tuần.
  • Thời gian để xử lý các đơn ĐKQT có thể bị kéo dài hơn so với đơn đăng ký nộp trực tiếp.

 

Dưới đây là danh sách một số nhãn hiệu do LÊ & LÊ làm đại diện đăng ký và gia hạn thông qua hệ thống Madrid:

 

Contact Us

LÊ&LÊ
Intellectual Property
Law Firm, LLC

LÊ & LÊ Lawyers

49 Hang Chuoi Street
Hanoi
Vietnam
Tel: +(84-24) 39361314, 39362349
Email: hanoi@lele.vn

465 Ngoc Thuy Street
Hanoi
Vietnam
Email: hanoi@lele.vn